Phần thứ I
LƯỢC SỬ HỌ TRẦN TẠI VIỆT NAM
Tổ tiên của dòng dõi nhà Trần tại Việt Nam có nguồn gốc dân tộc Mân ở quận Tần Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa. Đất Mân là vùng cư trú của tộc Mân Việt thuộc dòng Bách Việt. Người Bách Việt vốn sống từ sông Trường Giang về phía Nam. Theo nghiên cứu của học giả Đào Duy Anh có tới 500 tộc Bách Việt sống rải rác ở Hoa Nam Trung Quốc, Miến Điện, bắc Việt Nam, bắc Lào, hình thành nên một số bộ tộc lớn tập trung tại một số tỉnh Trung Quốc ngày nay như: người Âu Việt ở vùng Chiết Giang, người Mân Việt ở vùng đất Mân (tỉnh Phúc Kiến), người Dương Việt ở vùng đông Hồ Nam (một phần Hồ Bắc, Giang Tây, Quảng Đông), người Điền Việt ở vùng Vân Nam và một bộ tộc người Lạc Việt ở vùng tây Hồ Nam, Quảng Tây, phần bắc và trung Việt Nam ngày nay.
Thời Kinh Dương Vương dựng nước đặt tên nước là Xích Quỷ (tên hai ngôi sao ứng với vùng đất này), Đông giáp biển Đông, Tây giáp Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc ngày nay), bắc giáp hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc ngày nay), nam giáp Hồ Tôn (tỉnh Khánh Hòa - Việt Nam ngày nay). Sau khi thống nhất Trung Quốc, năm 218 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng mở cuộc chiến tranh xâm lược ra các nước xung quanh, sai tướng Đồ Thư đem 50 vạn quân đi trường kỳ đánh người Việt ở phương nam. Trước sức mạnh của quân Tần, các tộc Việt lui dần về phía Nam. Năm 208 trước công nguyên, liên quân Lạc Việt, Tây Âu và các tộc Việt khác đã hợp lực đại phá quân Tần, giết chết Đồ Thư, tiêu diệt mấy chục vạn quân Tần. Tần Nhị Thế buộc phải bãi binh. Vùng đất chiếm được, nhà Tần đặt thành các quận, huyện. Đất Mân đặt tên là quận Mân Trung. Đến đời nhà Đường đặt tên là Phúc Kiến quan sát sứ, rồi sau này đổi thành tỉnh Phúc Kiến ngày nay.
Vào thời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127), Trần Quốc Kinh từ Phúc Kiến sang Việt Nam vào khoảng năm 1110. Lúc đầu, ông cư trú tại xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay; sống bằng nghề chài lưới trên sông nước, trên đường làm ăn chuyển dần vào hương Tức Mạc, huyện Thiên Trường (Nam Định). Đến đời con là Trần Hấp dời mộ tổ sang sinh sống tại Tam Đường, phủ Long Hưng, nay là vùng đất thuộc Thái Bình. Trần Hấp sinh ra Trần Lý. Trần Lý sinh ra Trần Thừa (sau được tôn là Trần Thái Tổ), Trần Tự Khánh và Trần Thị Dung. Các nhà lãnh đạo thuộc những thế hệ đầu tiên thường mang tên các loài cá, do nguồn gốc xuất thân chài lưới của họ Trần. Tổ họ Trần vốn tên là Chép, được dịch sang tiếng Hán là 鯉, phiên âm là "Lý", nghĩa là cá chép. Con ông là Trần Thừa vốn có tên là Dưa (cá dưa). Hai con trai Trần Thừa vốn có tên là Leo (cá leo), được phiên theo chữ Hán là Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn), người con thứ hai có tên là Lành Canh (cá lành canh), phiên sang chữ Cảnh (vua Thái Tông). Trần Thị Dung cũng vốn có tên là Ngừ (cá ngừ), khi làm hoàng hậu của Lý Huệ Tông mới đổi gọi là Dung. Về sau dân địa phương lập đền thờ bà vẫn gọi là "Bà chúa Ngừ".
Từ thế hệ thứ hai, nhà Trần nắm quyền cai trị nên mới đặt theo các tên đời sau thường biết tới.
Phần thứ II
PHẢ KÝ - KHỞI TỔ DÒNG HỌ TRẦN HỮU
Trần Hữu tộc phả nguyên tiền vị quốc nhân tại Việt Nam - Trung Lê Hữu sự căn. Vào khoảng những thập niên đầu của thế kỷ 17. Giữa một mùa đông triều quận cập định cư - Chấn ải Nam Định, có 4 vị Trần Ngưỡng - Trần Cừ - Trần Hoán - Trần Thọ.
Tuy không biết ngày sinh, ngày tử, nhưng bốn vị này là đầu khởi họ ta.
Nhờ có tấm lòng nhiệt tình của người anh hùng lập được chút công danh, vì An Nam đất nước nên hai người đã bước một bước dài; một người đã có sự nâng đỡ về kinh tế, qua sông sang Đông Ba, Đắc Thắng định cư - lập gia cơ để ổn định nhưng số phận long đong phải dời xuống An Lạc, Giao Lạc, Nghĩa Hưng để sinh sống.
Một thời gian sau hai người anh em ruổi chân với cuộc chiến đã an bài quốc sắc, đuổi hết quân xâm lược, khi trở về chỉ còn một người thứ hai, về Nghĩa Hưng tìm người em.
Không muốn sinh cơ lập nghiệp tại An Lạc, Giao Lạc, Nghĩa Hưng, nên lại định về Trường An, Gia Viễn. Đi qua dòng sông xuôi ngược, dừng lại nơi đây (Thời nay gọi là đò Bòng). Nhìn vào cánh đồng bát ngát, thuận với cảnh quê mùa và cũng là lúc cạn hết tiền bạc nên hai anh em đã dừng chân và nương náu tại mảnh đất cuối cùng của xã Thôi Ngôi (Nguồi). Hai anh em chưa có ruộng đất, hàng ngày anh đan lát, em đánh dậm, làm như vậy cũng chỉ đủ ăn mà thôi.
Một hôm, trời âm u cuối giờ Mão, người em là Hiền Tổ khảo Trần Thọ tự là Huyền Đạt chưa có Tổ Tỷ, vác dậm ra sông để đánh dậm, nhưng không như ý muốn của mọi ngày trước; mẻ dậm thứ nhất nhấc lên chẳng có gì chỉ thấy một quả bòng xanh tươi trong dậm, bực mình đổ quả bòng xuống sông rồi đi một đoạn khác. Mẻ thứ nhì cũng không có gì, mẻ thứ ba cũng chỉ thấy một quả bòng y nguyên rồi lại đổ quả bòng ra xa. Năm lần bảy lượt, đi hết cả bãi cói cũng vẫn chỉ có quả bòng, không được lấy một con tép.
Thấy sự kì lạ, quả bòng thì ngày càng chóng lớn, người em suy nghĩ rồi vai vác dậm, tay ôm quả bòng bước lên thửa ruộng, tới một gò đất cao, lại có cây đa mới mọc, đặt quả bòng lên đỉnh gò. Bụng đói, người thấm mệt, ngả lưng vào cạnh gò nghĩ ngợi: “Hôm nay hai anh em mình sống bằng một quả bòng hay sao?”
Gió đông nam hiu hiu thổi, chợp mắt ngủ thiếp đi thì thấy một giấc chiêm bao kỳ lạ: Một người cân đai bối tử, tay ôm quả bòng mà nói rằng “Ta ơn nhờ nhà ngươi đã mang ta lên đất tốt, ngươi có thiện tâm giúp ta - đây là nơi linh từ mà ta muốn an bài, ta nhìn về phương Nam là chí hướng, bên kia là làng cũng có tên ta (Làng Bòng). Nhưng ta không muốn ngoảnh mặt hướng Bắc; bởi vậy, ta thuận linh hướng Nam. Nếu ngươi có thiện tâm giúp ta, ngươi sẽ có ngày sinh cơ lập nghiệp bằng một bãi cói ngư thực giầu sang, sẽ thành một quê hương nội tộc - Đó là lời hy hữu đấy”.
Khi tỉnh dậy, xét giấc mơ không thiếu một chữ. Nhìn xuống quả Bòng thì thấy thân hình quả Bòng đã lún sâu xuống lòng đất, ào ạt một ổ mối ùn lên, nhìn vào ổ mối giống như hình hài một tướng quân vậy - có lẽ đã hợp ta, vội vàng quỳ xuống sụp lạy: “Thần Bòng ơi, có phải ngài là linh thiêng thì xin phù hộ cho nhà Trần này ăn nên làm ra - Nếu có sự nghiệp, xin lấy mảnh đất nơi đây dựng một miếu thờ”. Tự nhiên thấy người lại khoan khoái, dễ chịu, bụng lại không thấy đói, đủng đỉnh vác dậm xuống bãi cói thường ngày. Nhìn thấy nước đục, lại làu nhàu những bọt, đánh mẻ đầu tiên phần nhiều là tôm, đánh mẻ thứ hai không còn chỗ để đựng, đành để trong dậm, quẩy giỏ trở về và thấy anh mình đang riu riu giấc ngủ. Người em lay anh tỉnh dậy, kể chuyện vui mừng rồi chỉ vào dậm và giỏ tôm. Từ đó hàng ngày, hai anh em đều xuống bãi đánh dậm.
Thời gian trôi đi đã mua được mảnh đất xây nhà cư ngụ khá tốt đẹp.
Cũng không quên gò đất có quả Bòng, chủ điền đồng ý bán cho cả một thửa ruộng bao la. Không tiếc gì đồng tiền làm được, xây dựng một cổ miếu khói nhang nghi ngút trên chính gò đất có thần Bòng.
Dân làng thấy sự thờ cúng của hai anh em họ Trần nên thường hay lui tới vui chơi - vận hạn, bệnh tật cầu khấn thấy linh nghiệm, hóa thành thôn nỏ phụng thờ, nhất là những thuyền đinh qua lại cũng đều biết đến ba chữ đại tự hướng ra sông: ĐỨC THẦN BÒNG.
Khi sông khê, nước cạn hay nước lớn, các thuyền đinh xuôi ngược đều lên khấn vái và đều được tai qua nạn khỏi.
Đã sinh cơ, lập nghiệp, lấy vợ sinh con, như vậy hiền tổ tỷ sinh được bốn người con trai nhưng chỉ còn lại một người ở lại nơi thổ cư cư ngụ.
Nhớ lại lời của thần Bòng “Đây là nơi hy hữu Trần tộc của nhà ngươi”. Vậy TRẦN HỮU mới có từ đấy. Đầu tiên không có chữ lót, cho đến khi có Hy Hữu mới có TRẦN HỮU.
Cổ là Nguồi, kim là Thôi Ngôi - tân kim là Thôi Ngôi xã - Thôi Ngôi thôn.
Di tích là đó, an bài là đó, Trần Hữu là đó, cháu chắt hậu lai suy xét, ghi sử Trần tộc này không phải là ảo mộng.
Phần thứ III
TRẦN HỮU CỦA CHÚNG TA
Qua nghiên cứu quyển “Phả Hệ” của ông bà để lại cho thấy rằng: Cao Tằng Tổ Khảo TRẦN HỮU TRỌNG và Bà NGUYỄN THỊ GẦN có sinh ra bốn người con đặt tên là: CUỘC - CHẠY - KỴ - NHỜ, qua tên của bốn người trên đây có thể chứng minh cho thấy cuộc chiến tranh xảy ra quyết liệt vào đầu thế kỷ thứ XVII. Vào thời Chúa Nguyễn, ông Trọng đã bị quân Nguyễn Hoàng bắt cùng với ba vạn binh lính khác từ phía Bắc đưa vào Quảng Nam để khẩn hoang. Trên đường đi, ông bỏ chạy về làng Triêm Tây trú nhờ ở một số nhà người quen từ Bắc vào lập nghiệp trước đây, lấy vợ và mưu sinh.
Cũng theo Phả Hệ ghi rằng: Ông Nội ông Trần Hữu Trọng là ông TRẦN HỮU PHÚC, đời thứ 6 Tiền Phả hệ ngoài Bắc, sinh ra ông TRẦN HỮU PHU (đời thứ 7) lấy bà Chánh thất TRẦN THỊ GIỎI và bà Thứ thất PHAN THỊ ĐOAN sinh hạ ra 21 người con: 18 con gái, 2 người con vô danh và 1 người con trai duy nhất là ông TRẦN HỮU TRỌNG, thuộc đời thứ 8. Cùng thời với ông nội ông Trần Hữu Trọng có 7 anh, chị em nữa gồm 2 con gái đầu và 5 người con trai thứ.
Từ ngày có dòng họ TRẦN HỮU của chúng ta ông Thủy Tổ Chư Tiên Linh TRẦN HỮU BIÊN và TRẦN HỮU THỌ cho đến ông Trần Hữu Trọng là 8 đời. Ông Trọng là người sinh hạ ra cả dòng họ TRẦN HỮU của chúng ta hiện nay tại Quảng Nam. Kể cả ngoài Bắc và Quảng Nam cho đến nay (2020), dòng họ ta có tất cả 18 đời, gần 600 năm.
Rất may cho thế hệ chúng ta ngày nay, Ông Trần Hữu Trọng và bà Nguyễn Thị Gần sinh hạ duy nhất chỉ có 1 người con trai là ông TRẦN HỮU CUỘC và 3 người con gái. Bà TRẦN THỊ CHẠY, có chồng về Tộc NGỤY thuộc Cẩm Hà, Hội An và bà mất vào 14 tháng Giêng âm lịch. Trong những năm trước đây, hậu duệ của bà thường xuyên về Chạp mả, tảo mộ Tổ tiên, ông bà bên ngoại. Còn 2 bà TRẦN THỊ KỴ, TRẦN THỊ NHỜ không thấy trong Phả hệ ghi có chồng về đâu, mất sớm lúc trẻ hay chưa lập gia đình. Ông TRẦN HỮU CUỘC, cùng cha mẹ đi làm cói lát tại Đuôi Chát, thuộc Cồn Khư phía Đông Nam sông Phú Chiêm, Sông Đầm và Bắc Hạ lưu sông Thu Bồn, phía Nam xóm Đông Bình, làng Triêm Đông, Ông CUỘC làm quen với bà LƯƠNG THỊ HUYỀN, người con gái tộc Lương, xóm Đông Bình và kết duyên chồng vợ.
Sau khi lấy bà Huyền, ông Cuộc về cùng chung sống với gia đình bên vợ xóm Đông Bình, làm ăn, sinh hạ ra 8 người con 4 trai, 4 gái và mua 1 mảnh vườn 1,5 sào Trung bộ để làm nhà ở. 3 người con trai đầu là ông TRẦN HỮU XA - Trưởng nam đích tôn đầu tiên, ông mất ngày 23/3 âm lịch khi chưa lập gia đình. Ông thứ 2 là TRẦN HỮU ĐẶNG, theo lưu truyền kể lại là Ông đã bỏ xứ đi làm ăn xa và không quay về, do đó trong Phả hệ không thấy ghi ông có vợ con hay ngày mất. Ông thứ 3 là TRẦN HỮU SẮT, đã mất ngày 2/4 âm lịch. Ông Xa và ông Sắt mất được chôn cất phần đất phía bên ngoại là vườn nhà ông Lương Dé bây giờ. Ông TRẦN HỮU ĐÁ là con trai út ở với cha mẹ. Lại một lần nữa cơ may cho dòng tộc chúng ta chỉ còn lại người con trai duy nhất. Bốn bà con gái gồm, 1 bà vô danh, 3 bà còn lại không thấy ghi có chồng về đâu, ở đâu chỉ biết ngày mất của 3 bà như sau: Bà Trần Thị Hà (Khả) mất ngày 11/11 âm lịch; bà Trần Thị Tuất mất ngày 12/4 âm lịch và bà Trần Thị Nghị, mất ngày 4/8 âm lịch.
Ông TRẦN HỮU ĐÁ lấy vợ họ Hà, làng Triêm Trung là bà HÀ THỊ CẬY (ĐA). Sau khi lập gia thất cho ông Đá thì cha mẹ ông là ông Cuộc mất ngày 15/11 âm lịch và bà Huyền mất ngày 26/2 âm lịch. Ông Đá và bà Cậy (Đa) tiếp tục làm ăn tại làng và sinh hạ ra 8 người con; 6 người con trai và 2 con gái gồm ông TRẦN HỮU CỦI (CỘI), Trưởng Nam, ông TRẦN HỮU BẾP, ông TRẦN HỮU AM, bà TRẦN THỊ LỌ, sau có chồng về tộc Lê Giản, xóm Phước Lộc, làng Triêm Đông; Ông TRẦN HỮU LƯƠNG, ông TRẦN HỮU BẢO, ông TRẦN HỮU HẬU, không thấy ghi trong Phả hệ là 3 ông có vợ con hay ở đâu mà chỉ có ngày mất như sau: ông Lương, 17/4 âm lịch, ông Bảo mất ngày 15/4 âm lịch, ông Hậu mất ngày 25/2 âm lịch. Bà Út nữ TRẦN THỊ LÝ, có chồng về Tộc Nguyễn, Triêm Trung.
Ba người con trai đầu ông Củi (Cội), ông Bếp, ông Am ở với cha mẹ, lấy vợ sinh con. Sau khi 3 con lập gia thất, cha mẹ chia cho 3 mảnh vườn để ở như sau:
- Ông Trưởng nam TRẦN HỮU CỦI (CỘI), lấy vợ bà LÊ THỊ LƯ (LÒ), được ở với cha mẹ trên mảnh vườn 1,5 sào Trung bộ khoảng 630m vuông đã có, (hiện nay Ông Tài và ông Thường và Ông Chín ở vườn này).
- Ông TRẦN HỮU BẾP, lấy vợ họ Nguyễn, xóm Tân Phú, cùng làng là bà NGUYỄN THỊ LÒ (LƯ), cha mẹ cũng cho 1 mảnh vườn về phía Tây Bắc sát vườn người anh trai trưởng cũng 1,5 sào Trung bộ 630m vuông. (Ông Biếu và ông Bân ở hiện nay).
- Ông TRẦN HỮU AM, lấy vợ họ Nguyễn là bà NGUYỄN THỊ QUẤT, cha mẹ cũng cho 1 mảnh vườn kế tiếp về phía Nam, nhỏ hơn hai người anh 14 thước Trung bộ 480m vuông. (Ông Nho và ông Dưa ở hiện nay.)
Sau đó, ông bà TRẦN HỮU AM, mua tiếp mảnh vườn phía sau nhà cho các con ở gồm 3 sào, 10 thước Trung bộ 1.700m vuông cho người con trai thứ là ông TRẦN HỮU ĐỈNH ở. (Nay ông Riềng, ông Bốn Mão và bà Trần Thị Lài, (bà Ba Lâm) con trai và con gái ông Trần Hữu Liêu ở). Ba ông ở 3 mảnh vườn, nhưng việc thờ tự ông bà ở nhà ông Trần Hữu Củi (Cội), nay là nhà ông Trần Hữu Sơn (Tài đang ở). Sau này thỉnh ông bà và Gia Phả về thờ tại nhà ông con trai thứ của ông Củi là Trần Hữu Hiếu để thờ. (Nay là nhà ông Trần Hữu Thường đang ở). Đến cuối thế kỷ thứ XIX (1860 - 1890), ba ông nói trên trở thành 3 phái (Phái nhất ông Trần Hữu Củi (Cội), Phái nhì ông Trần Hữu Bếp, Phái 3 ông Trần Hữu Am). Trong thời kỳ 3 ông thành 3 phái, đã sinh ra nhiều con cháu cho đến đời thứ VI, thứ VII khoảng vào năm 1930 đến 1950 thì dòng họ gặp tai họa; mỗi gia đình sinh con ra rất khó nuôi, sau này kể lại rằng: Ăn cơm, uống nước sặc chết, ăn bắp sặc chết, ngủ sáng không dậy vì đã chết…Nhiều cái chết hết sức bí ẩn; cho đến thập niên 50 cả gia tộc tổ chức cúng chay trai đàn chấn tế cầu siêu. Đám được tổ chức tại nhà ông TRẦN HỮU SAI, phái nhì (nhà ông Biếu hiện nay), do phái nhất ông Trần Hữu Hiếu bệnh nặng. Sau cúng chay 3 ngày 3 đêm rất lớn đó thì dòng họ chúng ta mới yên ổn cho đến ngày hôm nay.
TRẦN HỮU TỘC có truyền thống sống đoàn tụ trong cộng đồng gia đình, ít có người lập nghiệp xa, nên luôn tương thân tương ái, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, tối lửa, tắt đèn có nhau. Việc học hành của mọi người trong dòng họ ít được có điều kiện. Từ lúc có dòng họ cho đến đời thứ 6 chưa có một người nào học qua tú tài, đến nay thì chưa thống kê được nên chưa biết lượng con cháu Trần Hữu đã có học vấn như thế nào; cũng không có ai là địa chủ hay chức sắc gì cao trọng trong làng xã. Chỉ có ông TRẦN HỮU MÈO, đời thứ V, phái nhất ra làm Trưởng xóm, nên hay gọi ông là ông Trưởng Bốn; ông TRẦN HỮU TRẬP, em ông Trưởng Bốn làm Hương Dịch, tức quan chức văn phòng làng, chuyên đi mời họp và đo đạt đất đai của làng. Ông TRẦN HỮU HIẾU đời thứ V, phái nhất làm Thủ làng (gọi là ông Thủ Háo) chuyên giữ kho đồ vật của làng. Ông TRẦN HỮU NHÂM, đời thứ V phái nhì thì ở từ, trông nom Đình làng Tiền Hiền (Gọi là ông Thủ Sáu). Suốt 6, 7 đời của dòng họ lấy sức lao động hoặc làm thuê hoặc tự sản xuất. Người giàu nhất họ cũng không có 1 mẫu ruộng tư. Về kiến trúc chỉ có 2 ngôi nhà ngói, gỗ lim lớn của ông TRẦN HỮU HIẾU và ông TRẦN HỮU SIÊU là 3 gian 2 chái, nhưng đến nay nhà ông Hiếu đã xây dựng lại thành nhà hiện đại, ông Thường đang ở. Riêng nhà ông Siêu còn cổ nhưng đã xuống cấp trầm trọng, do ông Trần Hữu Thu, đang ở.
Nghề nghiệp chính của dòng họ là làm nông nghiệp, một số ít làm nghề mộc, đánh bắt cá, cào hến, đan lát… Có một thời vào thập kỷ 60, nghề mộc là nghề thịnh hành nhất trong tộc. Một số ít người là công chức nhưng chức vọng không cao, vào những năm 1965 đến 1970, ông TRẦN HỮU LUÂN, con ông Trần Hữu Em phái nhất, tập kết ra Bắc được giới thiệu bầu đến Đại biểu Quốc Hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Toàn tộc hầu hết theo đạo Phật và thờ cúng ông bà.
Năm 1995, việc thờ tự ông bà cùng Gia Phả đã được Gia tộc nhất trí thỉnh về nhà ông TRẦN HỮU BIẾU, Phái Nhì để phụng sự ông bà Tổ tiên chúng ta.
Từ thời kỳ năm 1945 đến năm 1975, trong 30 năm chiến tranh dòng họ Trần Hữu chúng ta đã có nhiều người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và đã có 8 người hy sinh vì đất nước. Có ông TRẦN HỮU THANH, phái nhì là liệt sĩ làm Bí thư Đảng xã nhà. Sau năm 1975, có ông TRẦN HỮU PHÚ, đời thứ 8, phái nhì tham gia Quân đội được phong cấp bậc Đại tá (nay đã nghỉ hưu). Có 1 công chức làm việc tại 1 cơ quan Trung ương, còn lại một số làm việc công chức ở một số cơ quan cấp tỉnh, huyện và địa phương. Có một số con cháu Trần Hữu làm doanh nghiệp tư nhân, nhà nước nhưng không lớn.
Trước đây, nhân ngày kỵ cơm ông TRẦN HỮU CUỘC vào ngày 14/11 con cháu dòng họ nội ngoại tộc tề tựu về tồ chức ngày hội Chạp mả tu tạo mồ mả ông bà Tổ tiên. Nhưng sau này đổi lại ngày 26/2 hàng năm là ngày Chạp mả, lấy ngày kỵ bà LƯƠNG THỊ HUYỀN - vợ ông Cuộc làm ngày hội tộc.
Có lẽ Lược sử lưu truyền trên đây cũng chưa phản ánh hết được sự chính xác của những sự kiện hình thành và phát triển dòng tộc trong 18 đời đi qua. Mong sau này con cháu chúng ta sẽ có những dữ liệu chi tiết hơn, ghi chép lại đầy đủ hơn hòng lưu truyền cho con cháu từ đời này sang đời khác.
Một nguyện vọng cho đến nay vẫn chưa thực hiện, đó là việc xây dựng một Nhà thờ tộc. Mong rằng các đời con cháu sau sẽ hoàn thành di nguyện trên của những người đi trước.